Cúng Đầy Tháng

Vì sao khi cúng phải có xôi chè?

Theo phong tục nước ta, đứa bé sinh được tròn một tháng thì phải cúng đầy tháng cho con. Lễ mừng con đầy tháng cũng cúng mụ như khi đầy cữ, kết hợp cúng thổ công và cúng gia tiên. Trong dịp này, nhiều gia đình đã mời họ hàng, bạn bè tới ăn cỗ để mừng cho đứa trẻ đã qua thời kỳ trứng nước được một tháng tuổi.

Trong ngày này, mâm cúng đầy tháng sẽ có nhiều lễ vật được dâng lên cúng 12 Bà mụ và 3 đức ông, trong đó xôi và chè là 2 lễ vật không thể thiếu. Nếu không có xôi chè cúng thì đó là một thiếu sót rất lớn, sẽ làm cho lễ cúng mấy đi ý nghĩa, mất đi cả niềm tin nhiệm màu về một tương lai xán lạn cho những đứa con yêu dấu của mình.

Vậy vì sao khi cúng lại cần phải có xôi chè?

Xôi và chè, chính là dấu ấn của truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, nền văn hoá truyền thống của nước Việt Nam ta.

Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là cây lúa, ngọn lúa sắp đơm bông gọi là đòng, hạt lúa nếp non rang lên là cốm, hạt lúa già là thóc, bông lúa gặt về thì phần còn lại ngoài đồng là rạ, đập tách hạt lúa ra rồi thì phần còn lại của bông lúa là rơm, sau khi xay giã xong thì hạt thóc chia hành gạo – cám – trấu, gạo gãy gọi là tấm. Gạo nấu lên thành cơm, xôi, nấu cho nhiều nước thành cháo, nếp thì nấu thành ché, chế biến thành món quà là bỏng… Cây lúa theo đặc tính hạt thóc thì có lúa nếp, lúa tẻ, theo thời vụ thì có lúa mùa, lúa chiêm…

Xôi chè, 2 món lễ vật không thể nào thiếu khi cúng đầy tháng

Bởi vậy, trong tất cả các buổi lễ cúng, bất kể cúng rằm, cúng tết, cúng đầy tháng, cúng thôi nôi,.... tất cả đều có sự xuất hiện của xôi và chè, nó tượng trưng cho sự phồn thịnh, no ấm. Nắm xôi dẻo, chén chè ngọt, ngày xưa, chỉ có những ngày lễ lạt, khi xôi chè được làm lễ vật cúng con người ta mới được thưởng thức những hương vị này.

Chẳng ai biết chè có tự khi nào, nguồn gốc từ đâu, do ai đặt tên nhưng từ xa xưa những món chè đã được mọi người biết đến ở khắp mọi nơi, và cả trong những câu ca dao xưa mộc mạc giản dị, chè cũng xuất hiện một cách tự nhiên và bình dị: “Mặc dù cha đánh mẹ đe/Em đây chẳng bỏ bát chè ngọt ngon”. Hay “Ăn trầu thì phải có vôi/Cúng rằm thì phải có xôi có chè”.

Tuy cuộc sống ngày nay hiện đại hơn, sung túc hơn, con người ta có thể tìm thấy xôi chè ở bất kì đâu, nhưng xôi chè vẫn luôn là món lễ vật không thể thiếu khi cúng. Nó là nền văn minh lúa nước, là phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hoá của ông cha ta từ ngàn đời nay.

Con gái phải chọn chè trôi nước, còn con trai là chè đậu trắng

Nếu lựa chọn phương án này các bạn có bao giờ tự hỏi tại sao lại là chè trôi nước mà không là các loại chè khác? Vì người xưa quan niệm “những viên trôi nước” tượng trưng cho sự trôi chảy, suôn sẻ trong tình cảm, sau này bé gái sẽ tìm được một mối lương duyên tốt đẹp.

Trong các mâm cúng đầy tháng cho bé trai thường sử dụng các loại đậu, đặc biệt là đậu trắng vì người xưa quan niệm “đậu” tượng trưng cho sự đỗ đạt trong học vấn, thành công trên con đường sự nghiệp sau này.